Chuyển đổi số vẫn thường bị nhìn nhận là chỉ phù hợp dành cho các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, câu chuyện thành công của học viện giáo dục Tomorrow Marketers với quy mô chưa đến 20 nhân sự sau đây sẽ chứng minh rằng sự đột phá có thể đến với bất kỳ ai sẵn sàng thay đổi.
Chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng chị Nhung Trần – Quản lý của Tomorrow Marketers về những lý do đưa Tomorrow Marketers đến với công nghệ và bài học thành công của doanh nghiệp này.
Về công ty Tomorrow Marketers
Tomorrow Marketers là học viện Marketing định hướng Đa quốc gia, ra đời với sứ mệnh đào tạo kiến thức, định hướng nghề nghiệp và truyền cảm hứng cho cộng đồng Marketers trẻ thông qua các chương trình đào tạo thực tế, với giảng viên tại các tập đoàn Đa quốc gia hàng đầu. Bên cạnh đó, Tomorrow Marketers còn thường xuyên tổ chức các sự kiện chuyên môn Marketing và phối hợp cùng các đối tác trong các chiến dịch truyền thông tới cộng đồng sinh viên.
Ra đời từ tháng 9/2015, đến nay Tomorrow Marketers đã mở ra 98 khóa học, đón gần 2500 học viên, tổ chức hàng chục sự kiện với 8000 lượt khách đăng ký tham dự. Với số lượng lớp học lớn ở cả hai chi nhánh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên, điều bất ngờ là Tomorrow Marketers chỉ có chưa đến 20 nhân sự chính thức (đã tính cả nhân sự part-time).
Số lượng nhân sự ít chính là một đặc thù trong cách hoạt động của Tomorrow Marketers.
“Mỗi cá nhân thường tham gia nhiều dự án khác nhau trong cùng một thời điểm. Vào những giai đoạn có nhiều dự án quy mô cùng lúc, Tomorrow Marketers sẽ hợp tác cùng đội ngũ cộng tác viên bên ngoài. Số lượng cộng tác viên lớn nhưng chỉ hợp tác theo từng dự án chứ không gắn bó lâu dài và có thể luân chuyển, thay mới liên tục”, chị Nhung chia sẻ.
Việc sử dụng cộng tác viên tuy có thể giải quyết những áp lực về số lượng công việc, nhưng lại đặt ra bài toán về việc cộng tác và quản lý chất lượng. Làm thế nào để những nhân sự này có thể phối hợp ăn ý với nhau trong một thời gian ngắn, và ở góc độ nhà quản lý thì làm sao có thể theo dõi được tiến độ và tình trạng của nhân sự khi nhiều dự án chồng chéo diễn ra cùng lúc – là những câu hỏi mà những người quản lý như chị Nhung phải trả lời.